Có một điều rất hiển nhiên là các sản phẩm có chất lượng càng tốt thì chi phí bỏ ra để sản xuất càng cao, từ đó kéo theo giá thành sản phẩm được đưa ra thị trường càng đắt. Mà người tiêu dùng thì muốn chất lượng cao, nhưng giá cả phải mềm. Để đáp ứng tiêu chí này, các nhà sản xuất chỉ có thể tìm mọi cách tối ưu chi phí sản xuất.
Sản phẩm Liên Quan
Gà Ác
Gà Ta
Gà Tam Hoàng
Gà Thả Vườn
Gà Tre
Chăn nuôi gia cầm thả vườn là một trong những phương pháp tiết kiệm được nhiều chi phí, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên cũng như đất trống vốn có. Gia cầm được nuôi thả vườn cũng đem lại chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, chăn nuôi thả vườn không hề dễ. Trong bài viết này, Ifarmer sẽ hướng dẫn các bạn cách chăn nuôi gà con thả vườn. Với những loại gia cầm khác, các bạn có thể tìm kiếm với từ khóa tương tự trên các trang tìm kiếm nhé!
Theo các chuyên gia, cách nuôi gà con đạt chất lượng tốt nhất cần đảm bảo được các yếu tố sau:
1. Môi trường chăn nuôi an toàn về mặt sinh thái lẫn sinh học
Dù là chăn nuôi thả vườn, chúng ta vẫn cần có chuồng gà. Ban ngày, gà con phần lớn sẽ tự kiếm ăn trong khu vực vườn chăn nuôi, còn ban đêm sẽ ngủ ở chuồng. Chuồng có tác dụng ngăn cản các yếu tố thời tiết có thể gây bệnh cho gà con, nhất là sương đêm, mưa dầm, đông rét… Chuồng gà cần được dựng ở nơi có địa hình cao ráo, không bị ngập úng khi có mưa lớn, cửa chuồng không hướng về phía đón gió lạnh, có mái cao. Không nên chỉ xây chuồng rồi cho gà ngủ dưới đất lạnh. Nền cần được xây đường hoàng, ánh sáng trong chuồng cũng cần đảm bảo. Khi gà con còn quá nhỏ, nền chuồng cần rải trấu lót để đảm bảo nhiệt độ. Ngoài ra, chuồng gà phải được vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên khử trùng định kỳ, dọn chất thải. Nếu có thể dựng chuồng gà ở dưới tán cây lớn thì càng tốt.
Khu vực vườn thả gà cần được phát quang, tránh ao tù nước đọng (gà con có thể bị rớt vào nước). Bí quyết nuôi gà không bị bệnh chủ yếu là phải đảm bảo điều kiện sinh thái môi trường sống.
2. Mật độ gà con nuôi phù hợp với diện tích vùng đất
Kinh nghiệm nuôi gà con của những người nuôi lâu năm chỉ ra rằng, tỉ lệ gà con và diện tích là 10/1. Nghĩa là khoảng mười con gà con, cần ít nhất một mét vuông diện tích. Gà càng lớn, tỷ lệ này cũng cần có sự thay đổi tương ứng. Ví dụ, với gà 2 tháng tuổi, năm con gà một mét vuông.
3. Vây gà bằng tre nứa đan
Thông thường, nuôi gà thả vườn chúng ta phải vây gà trong một phạm vi nhất định. Cách nhanh nhất là dùng lưới. Tuy nhiên, Ifarmer khuyên mọi người nếu có thể, hãy vây gà bằng phên tre nứa. Gà con có kích thước rất nhỏ, và chúng thường tìm cách để thoát ra khỏi vòng vây, rất nhiều gà con chết vì chui đầu qua các lỗ lưới rồi bị mắc kẹt nhưng không được giải cứu kịp thời. Cũng có nhiều gà con thậm chí rỉa cả lưới để ăn. Do đó, hãy vây gà con bằng phên tre nứa đan dày, vừa thân thiện môi trường, gà con không thích rỉa và cũng hạn chế tình trạng gà con chui qua bị kẹt. Đây là bí quyết nuôi gà con mà rất ít người biết đấy!
4. Thức ăn và nước uống cho gà con
Cám gạo là nguồn thức ăn an toàn cho gà con (Ảnh: caythuoc.org)
Các bạn có thể ra cửa hàng nông nghiệp hỏi trực tiếp hoặc tìm đọc các tài liệu chăn nuôi gà con để mua và cho gà con ăn những loại thức ăn phù hợp với tuần tuổi. Nếu chăn nuôi ở quy mô vừa và nhỏ, bạn có thể cho gà con ăn cám gạo, gạo tấm, bắp xay, cơm nguội… thậm chí giữa ngày, có thể cho gà tập rỉa rau cỏ trong vườn. Đây là các nguồn thức ăn đem lại chất lượng thịt gà ngon nhất.
Máng ăn và máng uống nước có thể tìm mua tại các cửa hàng ở chợ hoặc đặt mua trực tuyến. Phải chú ý thay nước mỗi ngày, vì gà con rất hay nhảy vào máng nước, nên nước dễ bị bẩn. Ngoài ra, máng nước phải cạn để tránh làm gà con đuối nước. Nếu trong ngày, đàn gà con không ăn hết thức ăn thì nên đổ bỏ, rửa sạch máng, tránh để ôi thiu, khiến kiến, chuột, côn trùng kéo đến.
5. Chăm sóc gà con bị bệnh
Khi phát hiện ra gà con bị bệnh, lập tức đưa gà bị bệnh ra khỏi môi trường chung để tránh lây nhiễm cho các con gà khác. Mua thuốc và làm theo các hướng dẫn thú y để trị bệnh cho gà. Khi gà hoàn toàn khỏi bệnh mới đưa về môi trường chung. Trong trường hợp không may không cứu chữa được, cần xử lý đúng cách, không vứt ra vườn, vứt xuống ao hồ hoặc đào hố vùi lấp bừa bãi. Rắc vôi chuồng trại và phun thuốc khi phát hiện nhiều gà bệnh.
6. Vệ sinh khu vực nuôi giữa các lứa gà
Nuôi xong một lứa gà con, chúng ta sẽ bán và nuôi lứa khác. Trước khi nuôi lứa mới, cần khử trùng và làm vệ sinh sạch sẽ môi trường nuôi. Thay máng ăn, máng uống nước, sửa sang lại rào vây, đổi trấu lót chuồng, kiểm tra chuồng có bị dột… để sửa sang trước khi nuôi lứa mới.
Trên đây là bí quyết nuôi gà với các yếu tố cơ bản nhất cần đáp ứng để đạt kết quả tốt nhất. Cách chăm sóc gà con thả vườn khá vất vả, nhưng khi hiểu rõ bạn sẽ thực hiện rất lưu loát. Và tất nhiên, kết quả nhận được sẽ không khiến bạn thất vọng.