Sự thật về mực xà, mực xà ăn có độc không?

2023-07-09 Xuân Dự

Trên thị trường hải sản hiện nay nổi lên một loại mực mới khiến không ít người tò mò vì hình dạng và kích thước khác so với mực thông thường, giá lại mềm hơn nên nhiều người muốn thử loại mực này. Loại mực này không phải là loại mực mới, nhưng trước đây ít được khai thác nên không nhiều người biết, nay được khai thác nhiều và bày bán ở các khu hải sản cũng như giới thiệu ở nhiều kênh thông tin nên được nhiều người biết đến. Đây được gọi là mực xà, sống ở những vùng nước sâu ngoài khơi.

Mực xà hay còn gọi là mực ma (tên khoa học là Sthenoteuthis oualaniensis) là loài nhuyễn thể chân đầu thuộc ngành động vật thân mềm phân bố ở một số địa phương duyên hải miền Trung Việt Nam như Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Đặc biệt, Trường Sa và Hoàng Sa là nơi có nhiều mực nhất.

Nghề câu mực xà thường được thực hiện ở vị trí cách bờ trên 150 hải lý với độ sâu hơn 800m dưới biển, mùa biển động là mùa chính để đánh bắt mực xà thường bắt đầu từ giữa tháng 12 và kết thúc khoảng cuối tháng 9 năm sau. Nghề câu mực xà xuất hiện từ những năm 90 với những phương tiện đánh bắt nhỏ nên sản lượng đánh bắt và hiệu quả sản xuất còn thấp, nay đã có những chiếc thuyền lớn đánh bắt xa bờ trong thời gian dài nên sản lượng mực xà khai thác ngày càng nhiều.

Theo kinh nghiệm của các ngư dân thì biển càng động mực xà xuất hiện càng nhiều, vì vậy ngư dân thường đánh bắt mực xà vào những ngày sóng to gió lớn. Chính vì đặc điểm này mà nghề câu mực xà được đánh giá là một trong những nghề gian nan và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm đi câu trên biển cả.

 Chúng ta có thể câu tay hoặc dùng lưới vây để bắt mực xà. Mực xà là loài phàm ăn, chúng có thể tìm mồi cả ngày lẫn đêm, không giống với mực ống chỉ ăn đêm, vì vậy việc câu mực xà dễ dàng hơn các loại mực khác. Tuy nhiên do phải đánh bắt trong những ngày biển động nên việc đánh bắt mực xà vẫn rất nguy hiểm.

Theo các ngư dân, ở Việt Nam, mực xà có hai loại chính: mực xà bầu, loại kia gọi là mực xà lá. Xét về kích thước, mực xà bầu khá nhỏ, mực tươi từ 5 con/kg, kích thước mực xà lá lớn hơn nhiều, mỗi con mực tươi nặng đến vài kg. Khi ăn mực xà lá thơm ngon và ngọt hơn mực xà bầu. Vì có kích thước lớn và thân có màu đen nên mực xà lá cũng được biết đến với tên gọi mực ma khổng lồ.

So với mực ống, mực xà có đuôi màu đen sậm, dày, xòe to như đuôi cá, còn đuôi mực ống mỏng, ôm sát vào thân. Mực xà ăn được, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng không ngon nên ngư dân ít dùng.

Mực xà thường được đánh bắt ở những ngư trường xa bờ nên sau khi khai thác, ngư dân thường sơ chế mực xà làm mực khô. Mực xà sau khi phơi khô có vị hơi đắng, không ngon, ngọt và mềm như loại mực khô thông thường. Một số loại mực xà có đặc điểm phơi khô lên có màu hơi đen, vị hơi nhẫn, ít được thị trường ưa chuộng so với các loại mực khác. Giá mực xà khô trên thị trường buôn bán sỉ hiện nay dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, tùy theo loại lớn nhỏ. Ở một số địa phương dọc bờ biển có các đội thuyền chuyên đi câu mực xà ở vùng biển xa bờ, phơi khô và xuất bán sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Mực xà tuy dễ dàng phân biệt với mực thường (mực ống) nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với mực lá đại dương. Nếu mực xà có màu tím, hoặc hồng ánh tím, da dày, cứng và vây ngắn, vểnh ra, có đuôi màu đen sậm, dày, xòe to như đuôi cá, khi chế biến thức ăn thì mực xà có thịt cứng, dai và nhạt. trong khi đó, mực lá đại dương có da màu đỏ hoặc đỏ pha trắng, vây dài chạy dọc thân, thịt dày nhưng mềm và ngọt.

Mực xà, mực xà đại dương được biết đến trong thời gian gần đây do có nhiều kênh thông tin về loại hải sản này. Trước những thắc mắc của các bà nội trợ như mực xà ăn có độc không, mực xà đại dương có độc không, một số bài viết đã nêu các vấn đề về mực xà như sự thật về mực xà, mực xà ăn có độc không nhằm cung cấp các kiến thức về mực xà đối với người tiêu dùng; các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng mực xà cũng là loài nhuyễn thể chân đầu thuộc ngành động vật thân mềm như mực thông thường, không có độc, chỉ là do hình dáng khác lạ và được biết đến trong thời gian gần đây nên khiến nhiều người còn nghi ngại. Mực xà được đánh bắt ở ngư trường xa bờ nên chủ yếu được chế biến thành mực khô, vì vậy mực xà thường bày bán ở các chợ hải sản với sản phẩm mực xà khô. Bên cạnh đó, nhiều kênh thông tin giới thiệu, bày bán loại hải sản này với nhiều tiêu đề như mua mực xà đại dương, bán mực xà đại dương, cung cấp mực xà khô nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiện trên thị trường mực xà khô có giá trị không cao nhưng đây vẫn là loại hải sản có nhiều tiềm năng phát triển trên thị trường do sản lượng lớn và ngày càng có nhiều người biết đến. Để phát triển nghề đánh bắt mực xà, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt ở những ngư trường xa đất liền, đồng thời ngư dân cần học hỏi những biện pháp để bảo quản, chế biến mực xà ngay khi đánh bắt nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế trên thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân trong thời gian tới./.

Liên Hệ Với Chúng Tôi

VỀ IFARMER.VN

Liên Hệ Sứ Mệnh

Tài khoản : 0071000674734,Vietcombank, PGD Quang Trung, Huỳnh Trúc Mai

Tài khoản : 6280205399880, Agribank Đông Sài Gòn, Huỳnh Trúc Mai

SẢN PHẨM MÙA DỊCH