Là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao nên măng tây đang ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, giá thành của nó khá đắt đỏ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tận dụng các loại thùng xốp hay xô chậu để trồng cây măng tây tại nhà. Măng tây có thể được trồng bằng rễ lẫn hạt. Tuy nhiên trồng bằng hạt sẽ dễ dàng hơn.
Sản phẩm Liên Quan
Măng Tây
Bạn có thể tham khảo cách ươm hạt giống măng tây dưới đây để có thể tự trồng măng tây sạch cho gia đình.
1. Cách ủ hạt măng tây
Ủ hạt là một trong những bước quan trọng để hạt giống đạt tỷ lệ nảy mầm cao nhất. Không giống như nhiều loại hạt giống khác, cách ủ mầm hạt giống măng tây khá cầu kỳ với nhiều công đoạn.
Hạt giống măng tây đóng gói là hạt khô, lớn và có vỏ rất dày, vì vậy trước khi tiến hành ngâm ủ cần phơi hạt dưới ánh nắng mặt trời trong khoảng 2-3 tiếng để tăng cường khả năng hút nước, giúp hạt dễ nảy mầm. Sau đó đem hạt rửa bằng nước sạch. Khi rửa nên chà xát hạt để làm sạch bụi bẩn và loại bỏ những hạt hư, hạt lép.
Ngâm hạt giống trong nước khoảng 1-2 ngày cho đến khi thấy hạt nở to, vỏ hạt mềm thì lấy ra, vớt bỏ những hạt lép nổi trên mặt nước. Rửa lại hạt giống một lần nữa, phải chà rửa thật kỹ, làm sạch mùi chua, nước nhớt để hạt giống không bị hỏng.
Tiến hành ngâm hạt giống măng tây vào dung dịch kích thích nảy mầm đã được pha trộn với nước theo tỉ lệ 30:70 trong khoảng 30 phút.
Lấy hạt giống đã được ngâm ra trải đều trên lớp khăn ẩm tối màu rồi ủ ở nhiệt độ 30-40 độ C trong vòng 1 tuần ở nơi kín gió và khuất sáng. Cứ cách 12 tiếng phun nước ấm lên khăn 1 lần. Sau 2-7 ngày ủ thì hạt giống sẽ lần lượt nứt nanh nảy mầm. Mỗi ngày, kiểm tra và cẩn thận chọn lấy những hạt đã nảy mầm cho vào trong bầu đất để ươm. Sau đó phủ khăn lại và tiếp tục quá trình ủ số hạt còn lại cho đến khi các nứt nanh hết.
Chú ý, trong quá trình ủ hạt giống măng tây phải luôn giữ độ ẩm cho lớp khăn là 50% và nhiệt độ trung bình là 30 độ C để hạt giống đạt tỷ lệ nảy mầm cao.
2. Cách ươm hạt giống măng tây
Thông thường thời gian ươm hạt giống măng tây có thể kéo dài trong khoảng 2-3 tháng. Nên ươm trong bầu đất, tránh ươm trực tiếp trên đất ruộng sẽ rất dễ bị sâu bệnh, côn trùng phá hoại làm hư hại hạt giống.
2.1. Bước 1: Chuẩn bị đất bầu đất
Phải đảm bảo đất ươm tơi xốp, giàu dưỡng chất và sạch bệnh. Có thể trộn đất với các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, tro, trấu, xơ dừa, vỏ đậu… đã được xử lý nấm bệnh bằng chế phẩm vi sinh để tăng dưỡng chất cho đất, tăng cường khả năng nuôi dưỡng mầm măng tây.
Khi đóng bầu ươm hạt măng tây phải đảm bảo độ nén của giá thể. Đất trong bầu phải cách mép túi bầu ươm 1cm.
2.2. Bước 2: Ươm hạt giống
Dùng que chọc lỗ sâu khoảng 0.5-1cm ở chính giữa bầu ươm, không nên đào lỗ sâu quá sẽ dễ làm hạt bị thối hỏng.
Đưa hạt giống đã nứt nanh mầm vào lỗ rồi lấp nhẹ bằng một lớp tro hoặc đất dày khoảng 0.5 cm cho khuất hạt để tránh côn trùng tha hạt đi. Sau đó tưới phun sương lên bầu ươm cho đủ ẩm, có thể dùng giàn che để hạn chế mưa to nắng gắt ảnh hưởng đến bầu ươm trong giai đoạn đầu.
Sau khi ươm khoảng 7-10 ngày cây con sẽ mọc lên. Khi cây cao khoảng 10cm thì tiến hành bón thúc 10 ngày/lần với dung dịch NPK để kích thích sự phát triển của cây con. Sau khoảng 1 tháng thì tưới thêm lân hoặc vôi pha loãng để kích thích bộ rễ phát triển.
Với những thông tin trên đây, hi vọng bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về phương pháp ủ hạt giống cũng như cách ươm hạt măng tây. Mong rằng bạn sẽ gieo trồng được những cây măng tây xanh tốt, cung cấp được nguồn thực phẩm ngon sạch, bổ dưỡng và tiết kiệm cho gia đình.
Chúc bạn thực hiện thành công!