Mặc dù không phải là loại cây trồng chủ yếu, Việt Nam đã và đang trồng để tiêu thụ, cũng như xuất khẩu măng tây. Đây là loại cây khó trồng, khó chăm sóc và cũng khó thu hoạch. Vậy, cách thu hoạch măng tây đạt chất lượng cao nhất và nhanh gọn nhất là như thế nào, hãy theo dõi bài viết này của Ifarmer để có câu trả lời nhé.
Sản phẩm Liên Quan
Măng Tây
1. Măng tây như thế nào thì có thể thu hoạch?
Măng tây đạt chuẩn để thu hoạch cần đáp ứng các điều kiện sau:
Đối với măng tây loại một, đường kính thân măng từ 10mm trở lên, chiều cao không vượt quá 25cm.
Đối với măng tây loại hai, đường kính thân măng nằm trong khoảng từ 7mm đến 9mm, chiều cao không quá 25cm.
Đối với măng tây loại ba, đường kính thân măng nằm trong khoảng từ 4mm đến 7mm, chiều cao măng không quá 23cm.
Mỗi cơ sở sẽ có một tiêu chuẩn khác nhau về măng tây đạt chuẩn thu hoạch, tuy nhiên không chênh lệch nhiều, chỉ cách biệt 0.1mm đến 0.2mm.
2. Thu hoạch măng tây vào thời gian nào?
Khoảng thời gian để thu hoạch măng tây bắt buộc phải nằm trong khoảng từ 5 giờ sáng đến 8 giờ sáng (nếu trễ hơn một chút cũng không được quá 9 giờ sáng). Toàn bộ măng tây phải được thu hoạch trong khoảng thời gian này, vì đây là lúc măng tây non nhất, xanh nhất sau một đêm phát triển, gốc chưa đến mức xơ già, măng không bị bung búp và chưa nở hoa.
Về thời gian, nhiều người sẽ thắc mắc trồng măng tây bao lâu được thu hoạch? Câu trả lời phụ thuộc vào quá trình trồng và chăm sóc. Về cơ bản, khoảng 9 tháng trở lên, chúng ta đã có thể thu hoạch mùa măng tơ đầu tiên.
3. Cách thu hoạch măng tây
Thu hoạch măng tây (Ảnh: baothaibinh)
Thông thường, để thu hoạch măng tây có hai cách cơ bản là nhổ và cắt. Nếu nhổ, trường hợp bị bật rễ khiến búp măng không còn nguyên vẹn là điều thường gặp. Nếu cắt, các vết thương lộ thiên để lại sau khi cắt búp măng có thể khiến cây măng tây bị sâu bệnh tấn công, chất lượng của đợt măng sau không như ý. Do đó, cách thu hoạch măng tây chính xác nhất là như sau:
Dùng hai tay cầm thân cây măng tây, tay phải đặt vào phần gốc sát mặt đất, không được cầm vào phần giữa hoặc phần ngọn măng để tránh bị đứt rời cây măng. Sau đó, nghiêng cây măng một góc khoảng 30 độ, dùng lực vừa đủ để nhổ măng lên khỏi mặt đất. Nếu khi nhổ cảm thấy quá cứng thì có thể đào đất xung quanh ra một chút, lưu ý là chỉ một chút thôi vì nếu đào quá nhiều đất ra khỏi gốc măng sẽ dẫn đến trường hợp bị bật rễ.
Nhổ măng theo phương pháp này có tác dụng giữ cho bộ gốc măng tây thông thoáng, những búp măng mới mọc lên sẽ không bị đâm xiên ngang hoặc xiêu vẹo.
Lưu ý là để thực hiện thuận lợi cách nhổ như trên, măng tây khi trồng buộc phải có bộ gốc ngập sâu dưới mặt đất khoảng mười lăm đến hai mươi cm.
4. Bảo quản măng tây sau khi thu hoạch
Đưa măng tây vào không gian thoáng mát ngay sau khi thu hoạch, tránh tiếp xúc với ánh nắng. Phân loại măng tây theo hợp đồng ký kết với các đơn vị tiêu thụ. Rửa sạch đất cát ở gốc măng tây, nhưng không được làm búp măng bị ướt nước (búp măng tây bị ướt nước sẽ rất nhanh hỏng). Trong trường hợp bị ướt, cần quạt và hong khô. Bọc măng tây bằng màng bọc hoặc giấy báo sạch để giữ ẩm. Mỗi bó măng tây tiêu chuẩn có trọng lượng 500gram.
Bảo quản măng tây bằng giấy báo sạch (Ảnh: facebook)
5. Thị trường tiêu thụ măng tây xanh
Măng tây được trồng ở Việt Nam chủ yếu là măng tây xanh. Đầu ra cho măng tây ở nước ta chủ yếu là các thành phố lớn nội địa, măng tây xuất khẩu chiếm tỷ lệ không cao. Các điểm thu mua măng tây hiện nay không cần nông dân tự mình vận chuyển đến kho, mà công ty sẽ trực tiếp đến trang trại thu mua và vận chuyển. Điểm thu mua măng tây tại Lâm Đồng hay thu mua măng tây tại Hà Nội cũng như các vùng khác phần lớn đều đang hoạt động theo hình thức này.
Nơi tiêu thụ măng tây còn đang hạn chế, vì giá thành sản phẩm khá cao nên các đơn vị mua bán măng tây vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường vùng quê. Tuy nhiên, với chất lượng đời sống vật chất đang không ngừng được nâng cao, có lẽ không bao lâu nữa măng tây sẽ phổ biến hơn và có thị phần lớn hơn trong các mặt hàng nông sản ở Việt Nam.