Hái Nấm Tràm
Hái nấm tràm là cả một quá trình thú vị và độc đáo. Do nấm tràm mọc cũng khá sâu trong những lớp rừng tràm nên là: Nếu đây là lần đầu bạn trải qua quá trình thú vị này thì nên tìm một người bản xứ, một người địa phương hướng dẫn và giới thiệu cho mình.
Sản phẩm Liên Quan
Nấm Tràm
Sau khi đi sâu vào lớp rừng tràm bạn phải căng mắt mình ra nhiều lắm để phát hiện được những cây nấm chàm bé tí ẩn dưới lớp lá dày dưới chân mình.
Do màu của nấm tràm cũng là một màu tím dễ nhầm lẫn với màu của lá tràm khi rụng nên cũng có thể coi rằng: Màu sắc đó chính là lớp áo ngụy trang hoàn hảo. Nhưng dù hoàn hảo đến đâu thì chắc chắn cũng sẽ phải bị phát hiện ra thôi.
Sau khi phát hiện ra những cây nấm tràm đầu tiên, các bạn nên dùng một cây cào nhỏ hoặc một vật dụng tương tự cạo bỏ lớp lá xung quanh chiếc nấm, rồi dùng tay hay dao tách lấy phần thưởng tuyệt vời khỏi đất mẹ thân yêu để vào trong một chiếc giỏ mang theo sẵn, một cảm giác vui sướng cho một cuộc hành trình.
Và nếu nhìn kỹ và rộng hơn ở xung quanh có lẽ bạn sẽ bắt gặp được những chiếc nấm tràm xinh xinh khác gần đấy. Vì một điều đơn giản là loài nấm tràm này thích mọc xung quanh gần nhau hơn.
Thông thường, người dân sẽ đi hái nấm vào lúc sáng sớm và gần trưa họ sẽ trở về nhà, thời gian ấy có lẽ là thời gian thích hợp nhất để hái nấm.
Tuy nhiên, mùa mà nấm tràm mọc nhiều nhất sẽ là?
Mùa Nấm Tràm
Ở Việt Nam chúng ta không thể dùng Xuân, Hạ, Thu, Đông để chỉ mùa được nên chỉ có thể diễn tả bằng mùa mưa và mùa nắng.
Nấm tràm là loại sinh vật được sinh ra từ trong những cơn mưa đầu mùa, khi mà trước đó là quãng thời gian nắng sáng chiếu rọi xuống khắp các tầng lá tràm trong khu rừng. Để rồi khi mưa xuống, dưới những chiếc lá ấy là những búp nấm tràm non mới và đang đua nhau mọc lên vươn mình khỏi những chiếc lá.
Đặc biệt trong khoảng thời gian những cơn mưa và nắng cứ thay phiên chiếm lấy bầu trời cũng là khoảng thời gian sinh trưởng tốt nhất của loài nấm tràm này.
Nấm Tràm Mọc Ở Đâu
Tuy có thể mọc trong mùa mưa và nắng, tuy nhiên không phải ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam đều có sự góp mặt của nấm tràm.
Chỉ một số địa phương với nhiều yếu tố thuận lợi, nấm tràm mới chọn lựa mà sinh sôi và làm nơi cư trú, điển hình trong số đó là: Đảo Ngọc Phú Quốc, và một lượng lớn ở các tỉnh miền Trung như: Thừa Thiên – Huế và Quảng Bình.
Nếu có dự định đi du lịch đến những nơi này thì bạn có thể ghi chú vào sổ kế hoạch của mình món đặc sản này rồi đấy. Và cũng chỉ có những nơi này ở Việt Nam mới có thể cho bạn thưởng thức quá trình và hương vị của việc chinh phục nấm tràm như thế nào.
Và nếu nói là chinh phục, thì chúng ta không thể nào bỏ qua việc quan trọng nhất sau khi có được một giỏ đầy nấm tràm, đó chính là sơ chế nấm tràm.
Các Bước Sơ Chế Nấm Tràm
Nấm tràm tuy nhìn rất đẹp nhưng với những ai đã ăn qua sẽ biết. Nấm tràm có một vị đắng đặc trưng của chúng, có thể so sánh như trái khổ qua vậy. Tuy nhiên vị đắng này là điều tự nhiên của bản thân nấm tràm, và vị đắng này còn có công hiệu trong việc chữa được một số bệnh thông thường và nhất là thanh lọc cơ thể, tăng đề kháng cho con người.
Và cũng theo nhiều chuyên gia cho biết, chúng ta chỉ có thể làm giảm vị đắng cho nấm tràm chứ không thể làm mất hết vị đắng được.
Để làm giảm đi vị đắng của nấm, khi chúng ta hái hoặc mua nấm tràm về, các bạn cần phải cắt và rửa sạch phần đất bám xung quanh, sau đó đem rửa với nước sạch rồi trần qua nước sôi, tiếp đến vớt nấm ra để ráo và cho tiếp vào nước lạnh, cuối cùng là xả lại với nước sạch.
Sau khi đã sơ chế nấm như thế, các bạn có thể dùng nấm để thực hiện những món ăn ngon rồi. Trong quá trình chế biến, các bạn có thể thêm các loại rau củ ăn kèm và nêm nếm cho hợp khẩu vị cũng như bớt đi phần nào vị đắng của nấm.
Và đó là toàn bộ thông tin liên quan về nấm tràm mà Ifarmer muốn mang đến cho bạn trong ngày hôm nay, có cả cách sơ chế nấm tràm mà các bạn nên biết nữa đấy. Hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn trong một dịp nào đó.