Thuyết minh về cây bình bát

2021-06-21 Xuân Dự

Bình bát là loài cây vốn rất quen thuộc đối với người dân sống ở các vùng nước phèn, nước lợ, nhất là ở các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Trái bình bát cũng là một loại trái cây ưa thích của nhiều người, hiện trở thành một trong những trái cây đặc sản quý hiếm của người dân sống ở các đô thị.

Cây bình bát còn được gọi là na xiêm, tên khoa học là annona reticulata, là một loài thực vật thuộc chi na (annona), có nguồn gốc từ khu vực nhiệt đới ở châu Mỹ gồm Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung Mỹ, vùng Caribe cũng như các đảo lân cận, châu Phi, Úc, Ấn Độ và một số nước châu Á.

Tại Việt Nam, cây bình bát mọc nhiều ở ven bờ kênh, rạch, ven sông, ở các vùng nước phèn, nước lợ tại nhiều vùng trên cả nước, trong đó phổ biến ở các vùng nông thôn ở khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ.

Cây bình bát là cây gỗ nhỏ, thân cao cao trung bình từ 2 – 5 m, ở vùng đất thích hợp có cây cao lên đến 10 m. Cây có lá đơn, mọc so le, nhọn hai đầu, có 8 - 9 cặp gân phụ, dài 10–15 cm và rộng 5–10 cm. Hoa bình bát có màu vàng, hai vòng cánh, nhiều nhị đực và tâm bì.

Bình bát có trái hình tim (quả kép, giống như các loại na), mặt ngoài có từng ô 5 góc mở; thịt trái có màu trắng, vàng hoặc hơi hồng, ăn được, vị chua, ít ngọt và có mùi thơm nhẹ đặc trưng. Trái bình bát non có màu xanh từ nhạt sang đậm, khi chín chuyển sang màu vàng tươi đẹp mắt, tỏa mùi thơm nhẹ thoang thoảng.

Cây bình bát dễ trồng, lớn nhanh, sống lâu, bộ rễ khá phát triển, rễ ăn xuống theo chiều sâu lẫn chiều rộng nên bám chắc rất tốt, sau mỗi lần cắt ngọn, gốc thân và cả bộ rễ càng phát triển. Vì vậy cây bình bát thường được người dân trồng ở ven mương, kênh, rạch, bờ sông để chống sạt lở đất. Vì có tính chất chịu được đất phèn, đất nhiễm mặn nên người dân thường ghép cây mãng cầu xiêm vào gốc cây bình bát để cây sai trái, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cây bình bát có nhiều công dụng, người dân thường lấy thân cây làm củi hoặc gỗ, vỏ cây giã nát dùng làm thuốc đắp quanh nướu răng để giảm nhức răng. Nước nấu từ vỏ cây bình bát được dùng làm thức uống giải nhiệt. Ở một số nơi, hạt bình bát từ những trái già được lấy giã nhỏ, nấu với nước làm nước gội đầu hoặc ngâm quần áo để diệt vi khuẩn, chí, rận hoặc lấy hạt bình bát đốt thành tro, trộn với dầu dừa làm vị thuốc để chữa các bệnh ngoài da.

Trái bình bát xanh thường được hái và cắt mỏng, phơi khô làm thuốc chữa bệnh sốt, tiêu chảy, giun sán. Trong khi đó, trái bình bát chín lại là loại trái cây được rất nhiều người ưa thích. Trái bình bát chín chứa nhiều vitamin C giúp chống gốc tự do gây lão hóa sớm; vitamin A giúp da và tóc khỏe, hỗ trợ thị lực; vitamin B6, magnésium, potassium, chất xơ tốt cho hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, có tác dụng lợi tiểu và giảm trầm cảm; có tính giảm co thắt, giảm a xít tại các khớp xương.

Ở một số nơi trên thế giới, trái bình bát chín thường được pha thành thức uống hoặc làm mứt, si rô bình bát, chế biến thành các loại nước sốt dùng trong các bữa ăn.

Tại Việt Nam, trái bình bát chín được dùng như một loại trái cây, món ăn phổ biến nhất là bình bát dầm đường, trong đó thịt của quả bình bát được trộn với đường, thêm đá, trở thành món ăn giải khát ưa thích trong những ngày nắng nóng.

Do đô thị ngày càng mở rộng, quá trình bê tông hóa diễn ra nhanh chóng, các vùng đất bỏ hoang ngày càng được khai thác triệt để, nhiều bờ kênh, rạch, bờ sông được xây dựng đê kè bê tông chắc chắn nên cây bình bát không còn môi trường sống thích hợp, chỉ còn ở một số vùng đất hoang, mọc ven kênh, rạch, sông ở các vùng quê, nhất là các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Trái bình bát hiện trở nên rất hiếm, nhiều người ở thành thị còn chưa được biết đến loại trái này. Một vài nơi, trái bình bát được hái và vận chuyển đến một số khu vực đông dân cư, thành phố để bán cho những người muốn nếm thử loại trái cây lạ hoặc cho những người muốn tìm về hương vị quen thuộc của quê hương.

Liên Hệ Với Chúng Tôi

VỀ IFARMER.VN

Liên Hệ Sứ Mệnh

Tài khoản : 0071000674734,Vietcombank, PGD Quang Trung, Huỳnh Trúc Mai

Tài khoản : 6280205399880, Agribank Đông Sài Gòn, Huỳnh Trúc Mai

SẢN PHẨM MÙA DỊCH