Còn gọi là mắc mì, may mì (lào), khnor( campuchia). Tên khoa học: Artocarpus integgrifolia, thuộc họ dâu tằm.
Mô tả cây:
Mít là một cây to, cao có thể tới 30 m với cành non rất nhiều lông ở ngọn. Lá đơn nguyên, dày, dài 9- 22cm, rộng 4-9 cm, cuống 1-1,5 cm. Hoa đơn tính cùng gốc. Hoa tự cái mọc ngay trên thân hay cành dài 5-8 cm, dày 2-5 cm. Hoa tự đực hình chùy. Quả phức to, dài 30-60 cm, mặt tua tủa những gai ngắn. Khi chín vỏ vẫn giữ màu xanh lục hay hơi ngả vàng. Thịt quả chín màu vàng nhạt, vị ngọt, rất thơm, hạt rất nhiều
Phân bố, thu hái và chế biến:
Mít được trồng khắp nơi trong nước ta.
Chủ yếu trồng lấy quả ăn, quả non luộc ăn, hạt nướng hay luộc, thơm, bùi. Gỗ quý màu vàng không mọt, dùng làm nhà, đồ đạc, tạc tượng. Dùng làm thuốc người ta thường dùng lá mít tươi, khi nào dùng đến mới hái, một số nơi dùng gỗ mít làm thuốc an thần, dùng gỗ tươi hay khô.
Công dụng và liều dùng:
Lá mít làm thuốc lợi sữa cho trâu bò dê, lợn và người. Phụ nữ đẻ ít sữa, dùng lá mít nấu uống làm cho ra sữa hoặc thêm sữa, ngày dùng 30- 40 g lá tươi. Gỗ và lá mít còn dùng làm thuốc an thần, chữa huyết áp cao hay chữa những trường hợp bị co quắp. Mài gỗ mít lên chỗ nhám, hay trôn bát, có thêm ít nước. Nước sẽ vẩn đục do chất gỗ và nhựa mít. Uống thứ nước đục này. Ngày dùng 6-10 g gỗ mít mài như trên. Có nơi dùng lá mít chữa ỉa chảy, táo bón, ăn không tiêu.