Còn có tên là gỗ vang, cây vang nhuộm, cây tô phượng( do cây này mọc ở nước Tô Phượng, một nước cổ ở vùng hải đảo của Trung Quốc). Tên khoa học Caesalpinia sapan L. Thuộc họ Vang. Tô mộc là gỗ phơi khô của cây gỗ vang hay cây tô mộc. Vì vị thuốc sản xuất ở Tô Phượng cho nên có tên Tô mộc ( Tô là Tô Phượng, mộc là gỗ)
Mô tả cây cây tô mộc:
Cây tô mộc là một cây cao 7-10 mét. Thân có gai. Lá kép lông chim, gồm 12 đôi, hay hơn 12 đôi, lá chét, hơi dẹt ở phía dưới, tròn ở đầu, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông. Hoa 5 cánh, màu vàng mọc thành chùm, nhụy hơi lò ra, nửa dưới chỉ nhị hơi có lông, bầu hoa phủ lông xám. Quả là một giáp dẹt hình trứng ngược, dày, dai, cứng, dài 7-10 cm , rộng 3,5-4 cm, trong có 3-4 hạt màu nâu
Phân bố, thu hái và chế biến cây tô mộc:
Cây mọc hoang và được trồng nhiều nơi trong nước ta vì gỗ được dùng làm thuốc nhuộm gỗ và làm thuốc với tên Tô Mộc.
Người ta dùng gỗ chẻ mỏng, phơi khô.
Công dụng và liều dùng
Tính vị theo đông y: vị ngọt, bình, không độc vào 3 kinh tâm, can và tì. Có tác dụng hành huyết, thông lạc, khứ ứ, chỉ thống, tán phong hòa huyết, chữa đẻ xong ứ trệ, kinh nguyệt bế, ung thũng, bị đánh tổn thương. Không ứ trệ cấm dùng.
Nhân dân dùng tô mộc làm thuốc săn da, cầm máu trong các trường hợp tử cung chảy máu, đẻ mà mất máu quá nhiều, choáng váng, hoa mắt.
Còn dùng chữa lỵ ra máu, chảy máu trong ruột, xích bạch đới.
Một số vùng, nhân dân dùng tô mộc nấu nước thay trà.
Phụ nữ có thai không dùng được.
Ngày uống 6- 12g dưới dạng thuốc sắc.
Nước sắc gỗ vang còn để nhuộm gỗ trước khi đánh vecni.
Đơn thuốc có tô mộc:
Bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều hoặc đẻ xong đau bụng từng cơn: Tô mộc 10 g, Huyền hồ sách 6g, Sơn tra 10 g, Hồng hoa 3g, Ngũ Linh chi 8g, Đương quy thân 10g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia ba lần uống trong ngày
Đẻ xong ra huyết nhiều: Tô mộc 12 g sắc với 200 ml nước còn 100ml. Chia 2 lần uống trong ngày.