Còn gọi là bồ ngót, bù ngót, hắc diện thần( Trung Quốc). Tên khoa học sauropus androgynus (L) Merr.
Thuộc họ thầu dầu
Mô tả cây rau ngót:
Cây nhỏ, nhẵn, có thể cao tới 1,5-2 mét. Có nhiều cành mọc thẳng, vì người ta hái lá luôn cho nên thường chỉ thấp 0,9 – 1,0 mét. Vỏ cây màu xanh lục sau màu nâu nhạt. Lá mọc so le, dài 4-6 cm, rộng 15- 30 mm, cuống rất ngắn khoảng 1-2mm có 2 lá kèm nhỏ, phiến lá nguyên hình trứng dài hoặc bầu dục, mép nguyên. Hoa đực mọc ở kẽ lá thành xim đơn ở phía dưới, hoa cái ở trên. Quả nang hình cầu, hạt có vân nhỏ.
Phân bố, thu hái và chế biến:
Mọc hoang và được trồng khắp nơi để lấy lá nấu canh. Khi làm thuốc thường chọn những cây đã sống 2 năm trở lên. Hái lá tươi về dùng ngay.
Công dụng và liều dùng rau ngót:
Lá rau ngót ngoài công dụng nấu canh, còn là vị thuốc chữa sót nhau và chữa tưa lưỡi. Cách dùng như sau:
- Chữa sót nhau: hái độ 40 g lá rau ngót. Rửa sạch giã nát. Thêm ít nước đã đun sôi để nguội vào. Vắt lấy chừng 100ml nước. Chia làm 2 lần uống, mỗi lần cách nhau 10 phút . Sau chừng 15- 30 phút nhau sẽ ra.
- Chữa tưa lưỡi : Gĩa 5 - 10 g lá rau ngót tươi. Vắt lấy nước, thấm vào bông, đánh trên lưỡi, lợi và vòm miệng trẻ em, chỉ 2 ngày sau là bú được
- Chữa hóc : Giã cây tươi vắt lấy nước ngậm.
- Để chữa sót nhau, có người chỉ dùng 15 hạt thầu dầu( xem vị này) giã nát đắp ở gan bàn chân, trong vòng 15 phút nhau sẽ ra. Sau khi nhau ra, cần rửa chân ngay( Y học thực hành tháng 10/1961)