Còn có tên là cây cỏ xước, hoài ngưu tất. Tên khoa học Achyranthes bidentala Blume. Thuộc họ dền. Ta dùng rễ phơi hay sấy khô của cây ngưu tất. Sách cổ nói: vị thuốc giống đầu gối con trâu cho nên gọi là ngưu tất( ngưu là trâu, tất là đầu gối).
Mô tả cây:
Cây ngưu tất là một loại cỏ xước cho nên người ta hay nhầm với cây cỏ xước Achyranthes aspera L. Cỏ có thân mảnh hơi vuông, thường chỉ cao 1 mét cũng có khi tới 2 mét. Lá mọc đối, có cuống, dài 5- 12 cm, rộng 2-4 cm, phiến lá hình trứng đầu nhọn, mép nguyên. Hoa tự mọc thành bông, ở đầu cành hoặc kẽ lá.
Phân bố, thu hái và chế biến :
Hiện nay, ta đang trồng giống ngưu tất di thực của Trung Quốc có rễ to hơn những cây cỏ xước mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta. Có thể tìm loài cỏ xước ở nước ta dùng làm ngưu tất được. Rễ đào về rửa sạch, phơi hoặc sấy khô
Công dụng và liều dùng :
Tính vị theo đông y: vị chua, đắng, bình, không độc , vào hai kinh can và thận có tác dụng phá huyết, hành ứ(sống) bổ can thận, mạnh gân cốt(chế biến chín)
Trong nhân dân, ngưu tất dùng trong bệnh viêm khớp, đau người, sau khi đẻ máu hôi không sạch, đau bụng, kinh nguyệt khó khăn. Ngày dùng 3-9 g dưới dạng thuốc sắc. Người có thai không dùng được.