Nhắc đến các loại rượu Việt Nam, rượu nếp là cái tên không thể bỏ qua. Không chỉ được sản xuất với quy mô lớn tại các xưởng nấu rượu, rượu nếp còn được các hộ dân tự nấu và bán lẻ tại các địa phương. Trong bài viết này, Ifarmer sẽ chia sẻ với các bạn quy trình làm rượu nếp cổ truyền thơm ngon đúng vị.
Hình ảnh rượu nếp trắng để uống ngày Tết (Ảnh: doisun)
Rượu nếp là rượu gì?
Nếu như rượu gạo được lên men và chưng cất từ gạo, thì rượu nếp là loại rượu được lên men và chưng cất bằng nếp. Mùi rượu nếp thơm hơn, và có giá thành cao hơn các loại rượu truyền thống khác, do nguyên liệu nếp nấu rượu có giá thành cao hơn và lượng rượu thu được sau chưng cất cũng ít hơn.
Quy trình làm rượu nếp cổ truyền
Trong bài viết này, Ifarmer sẽ hướng dẫn các bạn quy trình làm rượu nếp cổ truyền sử dụng nguyên liệu là nếp trắng. Bạn có thể thay thế nếp trắng bằng nếp cái hoa vàng, nếp cẩm… Dù có khác biệt về loại nếp, cách làm rượu nếp vẫn như nhau.
1. Nguyên liệu
- 500 gram nếp trắng (chọn loại gạo nếp hạt ngắn, màu trắng đục)
- 5 viên bánh men rượu
- 300 gram đường cát
2. Các bước làm rượu nếp cổ truyền
Giã nhuyễn bánh men rượu rồi dùng tay nhặt đi vỏ trấu cùng tạp chất, sau đó lấy phần men sạch trộn đều với đường.
Men rượu cần được giã mịn, rồi trộn với nếp để lên men nếp (Ảnh: agiadinh)
Vo sạch nếp rồi ngâm trong nước khoảng 3 tiếng đồng hồ. Nấu nếp chín theo kiểu nấu xôi, nhưng cần cho nhiều nước hơn nấu xôi để nếp nhão hơn.
Dàn trải nếp đã nấu chín thành một lớp mỏng ra mâm (hoặc bất kỳ dụng cụ nhà bếp có mặt phẳng bất kỳ). Phơi một lúc cho nếp nguội. Sau khi gạo nếp nguội, rắc đều men lên nếp rồi dùng tay trộn đều, sau đó vo tròn thành viên kích thước vừa phải( cỡ hơn nắm tay người lớn).
Đem nếp trộn men đã được vo thành viên cho vào bình đất hoặc bình thủy tinh, nén chặt và bịt kín miệng bình. Đặt bình ở nơi thoáng mát khoảng 3 ngày cho nếp lên men.
Sau 3 ngày, nếp đã được lên men. Lúc này, cần tiến hành nấu nước đường với tỷ lệ nửa lít nước + 3 gram đường. Để nước đường nguội rồi đổ vào bình đựng gạo nếp, đậy kín rồi ủ thêm 1 ngày.
Sau một ngày, lấy phần nếp ngâm trong bình ra, vắt kiệt nước và bỏ xác. Phần nước thu được chính là rượu nếp thành phẩm. Cho rượu vào chai/ lọ rồi để vào tủ lạnh là xong.
Một số câu hỏi liên quan đến rượu nếp
Tỷ lệ ngâm ủ rượu nếp chuẩn là bao nhiêu?
Cứ 500 gram nếp, chúng ta cần khoảng 5 viên bánh men rượu. Nếu muốn làm rượu nếp với số lượng lớn, cứ nhân theo tỷ lệ trên. Viên men được sản xuất cùng một kích thước nên không cần bận tâm về việc viên men to hay nhỏ.
Tác dụng của rượu nếp là gì?
Rượu nếp có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường, bổ sung chất sắt cho cơ thể và rất tốt cho đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu uống nhiều rượu nếp thì hại vẫn nhiều hơn lợi.
Rượu nếp trên thị trường phổ biến nhất là rượu nếp trắng, nếp cẩm và nếp cái hoa vàng (Ảnh: huongnep)
Rượu nếp để được bao lâu?
Về cơ bản, rượu nếp để được bao lâu còn phải tùy thuộc vào cách bảo quản rượu. Ví dụ, rượu nếp được bảo quản bằng cách hạ thổ có thể để được 5 - 10 năm, để càng lâu càng ngon và bớt được độc tố. Nếu bảo quản ở nhiệt độ thường, có thể để được 2 năm. Tuy nhiên, cần lưu ý đậy kín nắp sau mỗi lần lấy rượu sử dụng, vì rượu bay hơi có thể làm giảm nồng độ rượu, khiến rượu mất ngon.
Giá rượu nếp hiện nay là bao nhiêu?
Rượu nếp có nhiều loại. Giá các loại rượu nếp cũng có sự chênh lệch. Cụ thể:
- Rượu nếp cái hoa vàng có giá 99,000đ/lít.
- Rượu nếp Trắng có giá 79,000đ/lít.
- Rượu nếp cẩm có giá 109,000đ/lít.
Các dịp Lễ Tết, người dân Việt Nam thường tự ủ hoặc mua rượu nếp cổ truyền để thưởng thức. Có thể nói, uống rượu nếp vào các dịp đặc biệt đã trở thành một phong tục của người dân Việt Nam. Quy trình làm rượu nếp cổ truyền khá đơn giản, do đó, chúng ta hoàn toàn có thể tự ủ rượu để thưởng thức. Chúc các bạn ủ rượu thành công!