Khoai tây để lâu (nhất là để ở môi trường ẩm) thường dễ bị mọc mầm. Vậy, khoai tây đã mọc mầm có ăn được không? Nên xử lý khoai tây đã mọc mầm như thế nào? Cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết này của Ifarmer.
Sản phẩm Liên Quan
Khoai Tây
Hình ảnh khoai tây mọc mầm (Ảnh: anninhthudo)
Khoai tây mọc mầm có nguy hiểm không?
Trong khoai tây có chứa glycoalkaloid - một loại chất có đặc tính kháng sinh, giúp hạ đường huyết và hạ cholesterol hiệu quả. Tuy nhiên, glycoalkaloid chỉ tốt cho cơ thể nếu chúng ta nạp vào một lượng glycoalkaloid nhỏ. Với một hàm lượng cao, glycoalkaloid có thể gây hại cho cơ thể. Vốn dĩ, hàm lượng glycoalkaloid trong khoai tây không cao. Nhưng khi khoai tây mọc mầm, hàm lượng glycoalkaloid sẽ tăng lên. Khi ăn khoai tây đã mọc mầm, cơ thể hấp thu quá nhiều glycoalkaloid có thể khiến bạn bị ngộ độc. Ngộ độc glycoalkaloid có thể gây nôn, sốt, đau đầu, mệt mỏi, huyết áp thấp và thậm chí là tử vong. Các triệu chứng ngộ độc glycoalkaloid do ăn khoai tây thường xuất hiện sau vài tiếng đồng hồ sau khi ăn.
Khoai tây đã mọc mầm có ăn được không?
Khoai tây đã mọc mầm vẫn có thể ăn được nhưng cần sơ chế đúng cách (Ảnh: afamily)
Thực tế, khoai tây đã mọc mầm vẫn có thể ăn được. Do glycoalkaloid tập trung nhiều ở lá, mắt, hoa và mầm khoai tây. Trước khi ăn khoai tây đã mọc mầm, chỉ cần sơ chế và loại bỏ hết hoa, lá, mắt và mầm khoai tây là được. Ngoài ra, phần thịt khoai tây có màu xanh cũng là nơi chứa nhiều glycoalkaloid. Khi khoai tây đã chuyển qua màu xanh, bạn có hai lựa chọn: Một là gọt phần thịt khoai tây màu xanh bỏ đi rồi ăn bình thường. Hai là không ăn củ khoai tây này nữa.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chế biến theo phương pháp chiên để giảm bớt hàm lượng glycoalkaloid trong khoai tây. So với luộc và xào, khoai tây chiên giúp tiêu hủy glycoalkaloid tốt hơn.
Dù khoai tây đã mọc mầm vẫn có thể ăn nếu được sơ chế đúng cách. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, chúng ta vẫn không nên ăn khoai tây đã mọc mầm.
Cách bảo quản khoai tây không mọc mầm
Khi bảo quản khoai tây, cần tránh nguồn nước và nơi ẩm (Ảnh: vinmec)
Để khoai tây không mọc mầm, khâu bảo quản là rất quan trọng, bạn cần:
- Đặt khoai tây ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh xa nguồn nước.
- Không rửa khoai tây khi chưa có ý định chế biến thành món ăn.
- Không bảo quản khoai tây trong ngăn mát tủ lạnh.
- Loại bỏ các củ khoai tây hỏng trong đống khoai tây. Một củ khoai tây hỏng có thể khiến các củ khoai tây khác nhanh hư hơn.
Và đương nhiên, cách tốt nhất là chọn mua khoai tây khô ráo, tròn, căng, không bị xanh và không mọc mầm, không có lá ngay từ đầu. Khi nào cần sử dụng khoai tây để chế biến món ăn thì hẵng mua.
Một số câu hỏi liên quan đến khoai tây
Khoai tây mọc mầm có nên ăn?
Như đã nói ở trên, khoai tây mọc mầm vẫn có thể ăn nếu sơ chế đúng cách. Tuy nhiên, Ifarmer vẫn khuyến khích các bạn không nên ăn.
Cách xử lý khoai tây đã mọc mầm
Nếu vẫn muốn tận dụng khoai tây đã mọc mầm để chế biến thành món ăn, bạn cần gọt sạch mầm, lá, vỏ và phần thịt khoai tây màu xanh. Nếu nhà có vườn, bạn có thể đem khoai tây đã mọc mầm đi trồng. Nếu chăm sóc tốt, qua một thời gian, khoai tây sẽ ra củ mới. Bạn có thể đào củ khoai tây mới để ăn.
Nguy cơ tử vong khi ăn khoai tây có mầm có cao không?
Thực tế, nguy cơ tử vong khi ăn khoai tây bị mọc mầm không cao. Phần lớn các trường hợp ngộ độc do ăn phải khoai tây mọc mầm đều được cứu chữa và hồi phục rất tốt. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có người tử vong do ăn khoai tây bị mọc mầm. Trên thế giới vẫn ghi nhận nhiều trường hợp tử vong sau khi ăn khoai tây mọc mầm do ngộ độc glycoalkaloid.
Vậy là bạn đã biết khoai tây mọc mầm có ăn được không rồi đấy. Hãy nhớ các lưu ý khi ăn khoai tây mọc mầm để không gây hại cho cơ thể nhé! Đừng quên theo dõi các bài viết khác của Ifarmer để biết thêm nhiều thông tin hữu ích về ẩm thực và nông nghiệp.