Khoai mì còn được gọi là củ sắn, là một trong những loại lương thực chính của người dân Việt Nam. Khi đến mùa thu hoạch, bàn cơm của nhiều gia đình Việt sẽ xuất hiện món khoai mì luộc. Vì khoai mì ăn ngon, no bụng, giá lại rẻ và dễ chế biến. Luộc khoai mì nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng biết cách luộc khoai mì ngọt, ngon, không nát. Cùng tìm hiểu xem làm thế nào để luộc khoai mì thật ngon qua bài viết này của Ifarmer nhé.
Sản phẩm Liên Quan
Khoai Mì
Khoai mì luộc béo bùi, tan ngay trong miệng (Ảnh: youtube)
1. Nguyên liệu
1 kg khoai mì
2 lít nước dừa tươi
2. Cách sơ chế khoai mì
Rửa sạch bụi bẩn ở bên ngoài củ khoai mì, sau đó cắt bỏ hai đầu. Tiếp theo, dùng dao rạch một đường với độ sâu vừa đủ rách lớp vỏ khoai mì, dùng tay bóc lớp vỏ khoai mì theo đường đã rạch. Đây là cách lột vỏ khoai mì nhanh nhất.
Rửa sạch củ khoai mì với nước, cắt thành khúc hoặc để nguyên củ tùy theo sở thích cá nhân. Ngâm khoai mì trong nước sạch từ 12 - 60 tiếng để loại bỏ bớt độc tố có trong củ khoai mì. Cuối cùng, rửa lại khoai mì với nước và để ráo.
3. Cách luộc khoai mì ngon
Cho khoai mì đã sơ chế sạch vào nồi. Xếp củ to ở dưới, củ nhỏ thì đặt ở phía trên. Đổ nước dừa tươi ngập khoai mì rồi bắc bên bếp, đun với lửa lớn. Khi nồi khoai mì sôi thì hạ về mức lửa vừa. Đun cho đến khi khoai mì chín thì tắt bếp (Để biết khoai mì đã chín hay chưa, hãy dùng một chiếc đũa chọc vào một củ khoai mì bất kỳ. Nếu chiếc đũa có thể chọc vào củ khoai mì một cách nhẹ nhàng và củ khoai mì không còn cứng thì có nghĩa là khoai mì đã chín). Vớt khoai mì đã chín ra rổ rá cho ráo nước. Đợi cho khoai mì nguội là có thể thưởng thức.
Khoai mì luộc đúng cách cho thành phẩm thơm ngon khó cưỡng (Ảnh: amthucvietnam365)
4. Thưởng thức
Củ khoai mì chín mềm, có màu trắng đặc trưng, thơm hương nước dừa tươi và hương khoai mì tự nhiên. Vị củ khoai mì mềm, bùi, ngọt, khi ăn có chút dính răng. Thông thường, người ta thường chấm củ khoai mì với đường hoặc với sữa đặc để làm tăng vị ngọt, khi ăn sẽ cảm thấy ngon hơn. Bạn nên chuẩn bị thêm nước uống theo sở thích khi ăn củ khoai mì để tránh bị nghẹn hoặc dính răng.
5. Bảo quản khoai mì luộc
Củ mì đã luộc không thể để quá lâu ở nhiệt độ phòng. Nếu đã luộc mà ăn không hết, bạn có thể dùng lồng bàn úp lại để tránh ruồi bọ đậu vào khoai mì gây mất vệ sinh. Nếu để đến tối mà vẫn không ăn hết, hãy xếp củ khoai mì vào hộp đựng thực phẩm, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, khi nào ăn thì lấy ra hấp lại. Ifarmer khuyến khích chỉ nên luộc một lượng khoai mì vừa đủ ăn, vì khoai mì để quá lâu vị sẽ không còn ngon như khi mới luộc nữa.
Khoai mì đã luộc nên ăn ngay, để lâu sẽ không ngon như khi mới luộc nữa (Ảnh: youtube)
Một số câu hỏi liên quan đến sơ chế và luộc khoai mì
Khoai mì ngâm nước muối có tác dụng gì?
Việc ngâm khoai mì với nước muối từ 1 - 2 ngày có tác dụng loại bỏ độc tố trong khoai mì. Tuy nhiên, bạn cũng có thể ngâm khoai mì với nước lạnh mà không cần pha nước với muối.
Cách luộc khoai mì không độc
Để loại bỏ độc tố, bạn cần ngâm khoai mì trước khi nấu từ 12 - 60 tiếng. Khi đã luộc mà không ngâm trước, độc tố trong khoai mì không có cách nào để loại bỏ hết.
Luộc sắn có nên cho đường?
Thực tế là cho đường hay không cho đường đều được. Tuy nhiên, dùng đường pha vào nước để luộc củ mì thì vị củ mì sẽ không thơm ngon như luộc nước dừa.
Khoai mì luộc chấm gì?
Mỗi một vùng miền đều có đồ chấm riêng cho khoai mì luộc. Bạn có thể chấm sữa, đường hoặc muối tùy theo sở thích cá nhân.
Vậy là bạn đã biết cách sơ chế, chế biến khoai mì đơn giản, nhanh chóng, thơm ngon và không độc hại rồi đấy. Chúc bạn luộc khoai mì thơm ngon như Ifarmer đã hướng dẫn nhé!