Tên gọi cây cứt lợn mang vẻ bình dân, có khi hơi khó nghe, còn có tên gọi tương tự khác là cỏ cứt heo, thậm chí còn có tên là cây bông thúi địch hoặc những tên gọi dễ chịu khác như cỏ hôi, cây bù xít, cây cỏ ngũ sắc. Do đó trong dân gian hoa ngũ sắc còn gọi là hoa thúi địch/ bông thúi địch hay hoa cứt lợn/ bông cứt lợn. Cây cứt lợn có tên khoa học là Ageratum conzoides, thuộc họ cúc – Asteraceae.
Sản phẩm Liên Quan
Cây Hoa Cứt Lợn
1. Mô tả
Cây cỏ hôi là loại thực vật có thân mềm, mọc thẳng, chiều cao trung bình của cây khoảng 25 – 50 cm, thân màu xanh hoặc tím, bên ngoài bao phủ một lớp lông ngắn màu trắng. Lá cứt lợn có hình trứng, mọc đối xứng, có cuống ngắn, một đầu ngọn, kích thước mỗi lá có chiều dài 2 – 6 cm và bề ngang 1- 3 cm. Hai bên mép lá có hình răng cưa tròn, mặt trên và dưới lá đều có lông, mặt lá phía trên màu xanh đậm, mặt dưới có màu xanh trắng, lá có mùi hôi và hắc, nhất là khi lá bị dập nát. Cây cứt lợn có hoa mọc thành chùm ở đầu ngọn, màu tím trắng hay tím xanh. Mỗi bông được tạo thành bởi nhiều cánh nhỏ li ti. Cây cứt lợn có quả màu đen.
2. Cây cỏ hôi có mấy loại
Dựa vào màu sắc của hoa mà người dân chia cây này thành 2 loại là cây hoa cứt lợn trắng và cây hoa cứt lợn tím.
3. Phân bố
Cây cứt lợn có thể thích nghi được với mọi loại đất nên có thể mọc hoang ở khắp nơi. Trong các bãi đất hoang, ở bờ rào, ở ven bờ sông, kênh, rạch hoặc mọc trong vườn nhà, có nhiều nhất là ở các vùng nông thôn, vùng núi. Cây có thể sinh sống và phát triển trong mọi điều kiện thời tiết, vì vậy dễ dàng tìm thấy ở nhiều nơi, là một đặc điểm thuận lợi để tìm kiếm và bào chế thành các bài thuốc chữa bệnh. Nó là một loại thảo dược có tác dụng hỗ trợ chữa trị hiệu quả nhiều loại bệnh.
4. Công dụng trong y học
Theo Đông y, cây hoa cứt lợn có vị cay, đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, chữa trị viêm nhiễm, tiêu thủng, trục ứ, chữa cảm mạo phát sốt, các chứng bệnh yết hầu sưng đau, ung thủng, mụn nhọt... Bộ phận có giá trị chữa bệnh hiệu quả nhất của cây cứt lợn là rễ và lá, có thể sử dụng được cả cây tươi và khô để bào chế thuốc, tuy nhiên các bài thuốc từ cây tươi có dược tính cao và phát huy hiệu quả tích cực trong điều trị một số bệnh.
Trong cây cỏ cứt lợn có chứa hàm lượng tinh dầu rất cao, nên thường dùng làm thuốc chống viêm, chống dị ứng trong các trường hợp sổ mũi, giảm hắt hơi, sổ mũi nhức đầu, viêm xoang mũi dị ứng cấp và mạn tính mà không gây tác dụng phụ đối với người bệnh.
5. Làm tinh dầu từ cây ngũ sắc
Cây cỏ hôi chứa nhiều tinh dầu có dược tính cao nên thường được bào chế thành tinh dầu. Cách làm tinh dầu cỏ hôi được thực hiện theo các bước với trình tự và độ chính xác cao.
Việc đầu tiên của quá trình chưng cất tinh dầu cỏ hôi là chuẩn bị nồi cất và nước sạch. Nếu tự tạo thiết bị chưng cất, phần nồi cất chính là nồi áp suất. Dùng nước sạch, tốt nhất là được lọc hay cất và là nước mềm nhất có thể, đảm bảo có đủ nước để hoàn thành việc chưng cất. Tùy vào loại và số lượng cây nguyên liệu, việc chưng cất có thể diễn ra từ nửa giờ đến 6 giờ hoặc hơn sau khi nước sôi. Nếu dùng nồi cất công nghiệp, cần chú ý thực hiện làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Cho cây cỏ hôi tươi theo số lượng vừa phải vào nồi cất. Vặn chặt nắp nồi để hơi nước bay ra phải đi qua ống dẫn được gắn với van hơi. Sau khi đun sôi đủ thời gian, nước cất cây cỏ hôi đi qua bộ phận ngưng tụ đến bộ phận tách dầu.
Sau khi thực hiện xong quá trình chưng cất, cần tiến hành lọc tinh dầu cỏ hôi bằng vải xô hoặc vải bông khô, đảm bảo vải khô và sạch, không có chất tẩy rửa và bụi bẩn.
Khi hoàn thành giai đoạn lọc tinh dầu, cần đổ tinh dầu vào lọ thủy tinh hoặc lọ thép để sử dụng được lâu, bảo quản ở nơi thoáng mát, không có ánh nắng trực tiếp.
Tinh dầu cây ngũ sắc là loại dược liệu quý, thường được chưng cất, bảo quản để dùng với các mục đích chính như xông mũi bằng máy xông mũi chuyên dụng; pha với nước sôi để xông nhằm trị cảm cúm, pha với dung dịch rửa mũi để vệ sinh mũi hàng ngày, có tác dụng hỗ trợ chống viêm mũi.
Ngày nay sẽ khó tìm thấy cây cỏ hôi ở các vùng đô thị do tốc độ đô thị hóa nhanh, không còn đất trống cho các cây cỏ dại cũng như cây dược liệu tự nhiên, vì vậy việc sử dụng cây cứt lợn khô cũng như tinh dầu cỏ hôi là một trong những giải pháp hữu hiệu để chữa trị một số bệnh về hô hấp, viêm nhiễm./.