Giống như tên gọi, rong biển là một loại rong thu hoạch ở dưới biển, được dùng để chế biến nhiều món ngon và giàu dinh dưỡng. Ít nhiều đã ăn rong biển, vậy bạn có từng tìm hiểu xem quá trình thu hoạch và sấy khô rong biển diễn ra như thế nào chưa? Nếu chưa biết rong biển được thu hoạch và chế biến như thế nào, đừng bỏ qua bài viết này để được Ifarmer giải đáp nhé!
Sản phẩm Liên Quan
Rong Biển Khô
Rong biển - vừa là thức ăn giàu dinh dưỡng, vừa là chìa khóa chống biến đổi khí hậu (Ảnh: kinhtemoitruong)
Thu hoạch rong biển
Vòng đời của rong biển trải qua 5 giai đoạn: Sinh trưởng -> phát triển -> tích lũy -> sinh sản -> Tàn lụi. Cuối thời kỳ tích lũy là thời điểm rong biển được thu hoạch.
Rong biển đạt chuẩn thu hoạch cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Chiều dài nhánh lớn hơn 20cm đối với rong biển nuôi trồng và lớn hơn 30cm đối với rong biển tự nhiên.
- Khối lượng của cá thể đạt từ 2 gram đến 3.5 gram.
- Tỷ lệ rong biển khô/rong biển ướt đạt 1/8 - 1/10.
Sơ chế rong biển
Giai đoạn sơ chế lần 1
Công đoạn này diễn ra ngay tại nơi thu hoạch. Rong biển cần được làm khô ngay sau khi được đưa lên khỏi mặt nước (thời gian kể từ lúc rong biển rời khỏi mặt nước và được làm khô sơ bộ không được vượt quá 6 tiếng). Rong biển được rửa bằng nước biển rồi phơi trên giàn cao khoảng 0.5 - 0.8m, độ dày không quá 3cm.
Giai đoạn sơ chế lần 2
Sơ chế giai đoạn 2, rong biển sẽ được rửa với nước ngọt để loại bỏ muối (Ảnh: daohaisan)
Công đoạn này diễn ra khi rong biển đã được đưa về nhà máy. Rong biển đưa về nhà máy sẽ không được sơ chế ngay, mà còn cần dự trữ trong kho một khoảng thời gian nhất định (tùy theo nhà máy).
Tiếp theo, rong biển sẽ được loại bỏ các tạp chất, xác rong biển chết, vỏ nhuyễn thể và rong tạp. Sau khi được làm sạch, tiến hành rửa rong biển bằng nước ngọt. Rong biển sẽ được rửa khoảng 4 - 5 lần theo phương pháp gián đoạn (hoặc được rửa trong bể nước luân lưu, hoặc rửa bằng máy rửa). Trong thời gian đầu cần ngâm rong biển từ 0.5 - 1h, tổng lượng nước rửa phải lớn hơn trọng lượng rong biển khoảng 30 - 40%.
Phơi rong biển
Rong biển được phơi trên các nong tre hoặc các giàn phơi cách mặt đất khoảng 0.5 - 0.8cm. Chiều rộng tiêu chuẩn của giàn phơi khoảng 1.5 - 2m, độ dày tiêu chuẩn của lớp rong phơi là dưới 3cm. Sau khi phơi khoảng 2 - 3 ngày, rong biển sẽ khô và đạt độ ẩm <=22%, không còn muối (hàm lượng muối <0.8%), thân rong cứng, không còn bùn và tạp chất.
Quá trình phơi rong biển trên giàn phơi (Ảnh: rongbiendaiduong)
Sấy rong biển
Rong biển sau khi phơi sẽ được đưa vào nơi mát để cân bằng ẩm. Tiếp theo, rong đã phơi sẽ được sấy bằng máy sấy nông nghiệp mini hoặc tủ sấy công nghiệp với mức nhiệt độ 50 - 60 độ C.
Sau khi sấy, rong sẽ được bảo quản trong kho và bước vào giai đoạn diệt khuẩn (nếu có), đóng gói và phân phối.
Một số vấn đề liên quan đến thu hoạch và chế biến rong biển có thể bạn quan tâm
Các hiện tượng hư hỏng của rong biển trong quá trình chế biến
- Rong giòn do sấy ở nhiệt độ cao.
- Rong mủn do sơ chế bằng nước ngọt không đúng kỹ thuật.
- Rong bị phân hủy do hàm lượng muối cao khiến các vi sinh vật hoạt động mạnh.
- Rong bị hao hụt do độ ẩm trong rong còn cao.
- Rong bị nấm mốc và hư hỏng cục bộ do rong bị trải xuống nền nhà mà không tản nhiệt dẫn đến sự tự phát nhiệt.
Mùa hái rong mứt ở miền Trung
Ở miền Trung, vào mùa rong mứt, người dân thường tập trung hái rong mứt trên đá. Rong mứt có giá trị kinh tế rất cao, người dân có thể thu nhập tiền triệu mỗi ngày nhờ hái rong mứt.
Thời hạn sử dụng của rong biển khô
Rong biển khô được sản xuất đúng kỹ thuật, bảo quản đúng tiêu chuẩn có hạn sử dụng tối đa là một năm.
Vậy là bạn đã biết rong biển được thu hoạch như thế nào cùng quy trình chế biến rong biển khô tiêu chuẩn rồi đấy. Rong biển rất tốt cho sức khỏe nên thỉnh thoảng hãy bổ sung rong biển vào chế độ ăn hằng ngày để tăng cường sức khỏe và cân bằng dinh dưỡng bạn nhé!