A- Mô tả cây:
Cây lá móng tay là một cây nhỏ, cao chừng 3-4 mét, thân nhẵn hoặc có gai ở đầu cành. Lá mọc đối, cuống ngắn, phiến lá đơn, nhỏ, hình trứng, hai đầu dẹt, nhất là phía cuống dài 2-3 cm, rộng 1-1,5 cm. Hoa trắng hoặc đỏ, mùi thơm, nhỏ, mọc thành chùy ở đầu cành. Quả nang hình cầu to bằng quả hạt tiêu, không nứt, phía cuống có đài bao bọc, có 4 cạnh dọc, 4 ngăn, trong chứa nhiều hạt, nhỏ có cạnh góc, vỏ hạt dai, rất dày, phía dưới xốp.
B- Phân bố, thu hái và chế biến:
Mọc hoang và được trồng ở Việt Nam. Tại ai cập người ta trồng để xuất khẩu. Cây móng tay ưa đất màu, ẩm nóng. Trồng bằng hạt. Trước khi gieo ngâm hạt và nước nóng 50-60 độ sau đó gieo thẳng vào vườn ươm. Sang năm thứ 2, thứ 3 bắt đầu thu hoạch. Cắt cành phơi khô ngoài nắng, có nơi phơi trong râm. Mỗi năm có thể cắt 2 lần. Khi hái để 50 cm gốc để cây lại phát triển. Một cây trồng có thể thu hoạch 10-12 năm. Nếu hái cẩn thận có thể thu hoạch 20-30 năm. Một Ha cho thu khoảng 15-20 tạ lá một năm. Ai cập xuất khoảng 1000 tấn/ năm. I răng xuất khoảng 1200 tấn lá. Chủ yếu người ta dùng lá phơi khô, để nguyên hay tán bột. Các bộ phận khác như thân, rễ, hoa cũng được dùng nhưng ít hơn.
C- Công dụng và liều dùng:
Trước đây nhân dân ta thường dùng lá móng tay để nhuộm đỏ móng tay, móng chân trong dịp tết đoan ngọ( ngày 5 tháng 5 âm lịch). Còn dùng chữa hắc lào, bệnh vàng da, bệnh hủi, lở leo1t. Người ta cho rằng lá móng tay làm cho móng tay và tóc mau mọc. Lá tươi giã nát trộn với giấm thanh để chữa bệnh ngoài da. Tại châu Âu người ta dùng làm thuốc nhuộm tóc và làm mỹ phẩm. Tại một số nước, người ta dùng vỏ thân cây làm thuốc chữa bệnh gan, bệnh tủy sống, chữa tê bại, nhức mỏi. Còn có khi chữa kinh nguyệt không đều, có thể gay sẩy thai. Nhân dân campuchia dùng làm thuốc chữa lợi niệu, chữa ho, viêm khí quản.