Giới thiệu chung
Cá cờ là tên của một loại cá khá là thân quen với người dân Việt Nam, đặc biệt là những ai có niềm đam mê với cá cảnh. Ngoài cái tên cá cờ, loài cá này còn có một số tên gọi khác như: Cá thiên đường, thia đá, săn sắt, cá lia thia,…. dựa vào đặc điểm phân loại, chúng còn được đặt cho những cái tên như: Cá cờ đen, cá cờ đỏ, hoặc cá cờ đuôi quạt. Theo danh pháp khoa học, cá cờ thuộc chi Macropodus, một chi của họ cá tai tượng Đông Nam Á.
Sản phẩm Liên Quan
Cá Cờ Gòn
Cá Cờ Lá
Cá Cờ Xanh
Giá trị nuôi cá cờ
Thực tế, cá cờ không có giá trị trong ngư nghiệp và chăn nuôi. Người nuôi cá cờ chỉ vì mục đích giải trí, nuôi để làm cảnh là chính, chứ không nhằm mục đích bán cá cờ cảnh, ngoài ra họ có thể thi đấu với nhau trong các trận chọi cá lành mạnh.
Chuẩn bị bể nuôi cá cờ
Để có thể nuôi được cá cờ tốt nhất, việc đầu tiên chính là chọn cho cá một nơi ở tốt. Tùy theo điều kiện và số lượng mà nhiều người sẽ chọn lọ, keo hoặc hồ để nuôi cá. Tuy nhiên, phải đảm bảo một số yêu cầu sau:
- Lọ, keo, hồ mới phải sạch sẽ, nên dùng thủy tinh trong để có thể quan sát tốt nhất bên trong và cũng là để trang trí đẹp hơn cho không gian.
- Nuôi cá cờ trong hồ cá không nhất thiết phải trang bị máy oxy vì cá cờ không cần nhiều oxy như một số loại cá cảnh lớn khác. Nhưng, nguồn nước và môi trường trong nước vẫn phải đảm bảo sạch, ít chất gây hại cho cá.
- Cá cờ có đặc tính ưa nhảy, một phần là vì bản năng thích bắt và ăn côn trùng bay gần mặt nước. Vì vậy, nuôi cá cờ phải trang bị thêm một tấm che miệng lọ, hồ và chỉ chừa một góc để oxy có thể vào trong hồ để tránh cá nhảy ra ngoài và cũng là tránh để bị các loài bò sát lớn khác vào ăn cá.
- Thả rong hoặc rêu hay bèo xanh là một cách hữu hiệu để làm dịu tính nhảy của cá và tăng thêm vẻ đẹp của hồ.
Đó là những điều cơ bản để tạo dựng môi trường sinh sống cho cá cờ.
Cách ép đôi cá cờ
Đối với người nuôi cá cờ, việc ép đôi cá cho sinh sản cũng là một điều quan trọng và tất yếu. Điều đầu tiên các bạn cần biết đó chính là khả năng phân biệt cá trống và cá mái.
Để phân biệt trống và mái đối với cá cờ là một điều không phải chắc chắn hoàn toàn, bạn có thể dựa vào ba đặc điểm tương đối sau để phân biệt:
1. Cá cờ mái có bụng to hơn, đặc biệt là trong thời gian mang trứng.
2. Cá cờ mái có kích thước nhỏ hơn cá cờ trống.
3. Cá cờ mái đa số có bộ vây ngắn hơn những con trống.
Khi đã chọn được cặp cá phù hợp, người nuôi cá cờ có thể ép đẻ bằng cách cho cặp cá vào trong một hồ cá riêng biệt với nước được thay mới. Đảm bảo thêm là trong hồ có sẵn các vật thể khác như: Rong, rêu, lũa,… việc này là để giúp cá mái lẫn trốn trong trường hơp con trống quá hăng. Trong nhiều trường hợp, việc con mái bị cắn chết cũng không phải là chuyện hiếm. Cho nên, nếu có ý định ép đẻ, bạn nên chọn thời gian thích hợp, khi bạn có thể quan sát được cặp cá của mình, thứ bảy và chủ nhật là ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, nếu trong hai ngày, cá mái vẫn không có dấu hiệu đẻ mà trốn tránh nhiều, bạn nên để chúng lại trong môi trường cũ vì đó là dấu hiệu của cá mái chưa sẵn sàng.
Thức ăn dành cho cá cờ
Đối với cá cờ, thức ăn có sẵn cho chúng được bày bán rất nhiều trong các cửa hàng cá cảnh và cũng có nhiều loại khác nhau. Để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của cá, bạn nên chọn những nơi với chất lượng uy tín để mua thức ăn cho cá.
Việc cho cá ăn cũng là một điều phải lưu ý. Không nên cho cá ăn quá nhiều, sẽ khiến cá bị sình bụng và chết. Đối với những thức ăn như trùng chỉ hay trùng huyết cũng nên cẩn thận, nếu cá không quen ăn thì có thể cũng sẽ gây nên trạng thái sình bụng.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về cách nuôi cá cờ sinh sản. Hy vọng với những gì Ifarmer đã chia sẻ bên trên có thể giúp bạn trong việc chăm sóc những chú cá cờ hay ho này.