Chuối hột rừng ngâm rượu không những ngon, mùi vị lạ và dễ uống, là đặc sản nổi tiếng của rừng núi Việt Nam. Chuối hột rừng ngâm rượu vừa có thể dùng để tiếp khách, làm quà tặng. Ngoài uống vui như một loại rượu thông thường, rượu chuối hột rừng còn rất tốt cho sức khỏe và có tác dụng chữa được nhiều bệnh cho người sử dụng. Ifarmer sẽ giới thiệu cách ngâm rượu chuối hột rừng đúng cách ở bài viết dưới, các bạn cùng tham khảo nhé!
Sản phẩm Liên Quan
Chuối Hột
1. Chuẩn bị nguyên liệu
Chuối hột rừng: để có bình rượu ngon thì chắc chắn không thể bỏ qua nguyên liệu đầu tiên và quan trọng nhất đó là chuối hột rừng. Bạn phải chọn những địa chỉ uy tín để mua đúng chuối hột rừng, nếu có điều kiện bạn có thể lên tận bản để có thể lựa được những buồng chuối ngon nhất. Chọn những buồng có trái đồng đều, quả to, căng mọng, cắt thử hạt càng bé thì ngâm rượu sẽ càng ngon. Chuối nên chọn buồng có trái đã chín và một vài quả còn xanh, trái vừa chín tới, vỏ chuối còn tươi, không bị dập nát hay trầy xước sẽ cho ta một bình rượu thơm ngon nhất.
Phần tiếp theo, không kém phần quan trọng đó là chọn rượu: rượu ngâm chuối hột rừng thường là rượu nếp 40 độ là ngon nhất. Hoặc cũng có thể ngâm rượu từ 40 - 47 độ, không nên dùng rượu ngoài khoảng trên, rượu sẽ không còn vị thơm đặc trưng vốn có.
Bạn cần chuẩn bị bình ngâm, nên chọn chum sành bằng đất để ngâm bởi chum sành có khả năng giữ nhiệt và tránh mất nhiệt rất tốt, đảm bảo nhiệt độ ổn định và ít bị tác động của các yếu tố bên ngoài. Nếu không có chum sành, bạn cũng có thể sử dụng bình thủy tinh có nắp đậy kín. Không nên sử dụng bình nhựa, vì sẽ không tốt cho sức khỏe và ngâm lâu trong bình nhựa rượu cũng không ngon.
2. Sơ chế chuối hột rừng
Đầu tiên, tách từng trái chuối ra riêng lẻ, rửa sạch với nước, vớt ra rổ để ráo.
Sau khi chuối đã ráo nước, để nguyên vỏ và dùng dao cắt từng lát chuối dày khoảng 1cm, không nên mỏng quá vì sẽ dễ bị gãy vụn khi phơi và ngâm rượu, cũng không nên dày quá sẽ khó ngấm khi ngâm.
Tiếp theo, xếp từng miếng chuối lên mâm mỏng để phơi nắng. Có thể phơi từ 5-7 ngày cho chuối hột khô hẳn. Khi phơi nên lấy một lớp màn mỏng để che bụi bẩn ở phía trên. Nếu không có điều kiện để phơi nắng, các bạn cũng có thể dùng máy sấy để sấy khô nhé.
Sau khi chuối hột đã khô, dùng nước vôi để rửa qua. Nước vôi có tác dụng khử chất tanin trong vỏ quả chuối, chất này có thể gây ngộ độc hoặc táo bón nếu sử dụng với liều lượng quá nhiều. Tuy nhiên, vỏ chuối cũng góp phần không nhỏ vào hương vị đặc trưng của rượu ngâm nên rất ít người bỏ phần vỏ này khi ngâm rượu.
Tiếp tục rửa lại với nước sạch, để ráo và đặt vào nồi thực hiện sao tiếp chuối hột đã khô trên ngọn lửa nhỏ đến khi có mùi thơm và không quá khét thì tắt bếp.
Nếu bạn không có thời gian để sơ chế chuối hột rừng, có thể tìm đến các địa chỉ uy tín để mua chuối hột rừng đã phơi khô sẵn để tiến hành ngâm rượu luôn nhé. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều nơi cung cấp loại sản phẩm này, rất tiện lợi cho người sử dụng.
3. Cách ngâm rượu chuối hột rừng đúng cách
Tỉ lệ vàng để ngâm rượu chuối hột rừng là 1:4, nghĩa là cứ 1 phần chuối thì ngâm với 4 phần rượu (1 kg chuối hột rừng tương ứng với 4 lít rượu nếp). Theo tỉ lệ này giúp rượu có vị ngọt chuẩn nhất, không quá ngọt cũng không quá chát, màu sắc của rượu cũng không quá đục và không quá trong. Để chuối hột vào chum sành, tiếp tục đổ rượu vào rồi đậy kín nắp, đảm bảo không để không khí có thể lọt vào. Bảo quản ở nơi có nhiệt độ ổn định, có thể hạ thổ bình rượu để có được hương vị thơm ngon nhất.
4. Cách sử dụng đúng cách
Rượu ngâm chuối hột có thể sử dụng sau khoảng 4 tháng, tuy nhiên càng để lâu thì rượu càng thơm hơn. Rượu có thể sử dụng hằng ngày với một lượng vừa đủ khoảng 20ml có tác dụng rất tốt trong việc bồi bổ sức khỏe và chữa trị các bệnh liên quan đến xương khớp, táo bón và phong thấp. Tuy nhiên, không nên lạm dụng quá nhiều, có thể gây ngộ độc và nguy hiểm đến sức khỏe.
Vậy là Ifarmer đã giới thiệu xong cách ngâm chuối hột rừng đúng cách cho các bạn cùng tham khảo rồi đấy. Chúc các bạn thành công với công thức ở trên nhé.