Có rất nhiều người thích ăn khoai môn, nhưng chỉ thích thôi, chứ không bao giờ mua và chế biến khoai môn để ăn. Đơn giản là vì sơ chế khoai môn rất… ngứa. Đọc hết bài viết này, bạn sẽ không còn bận tâm đến vấn đề này nữa, vì Ifarmer sẽ chỉ cho bạn cách chọn và gọt khoai môn không bị ngứa cực nhanh và siêu đơn giản.
Sản phẩm Liên Quan
Khoai Môn
Khoai môn khó chọn được củ ngon và cũng khó sơ chế vì đụng vào dễ bị ngứa (Ảnh: thegioihuonglieu)
Cách chọn khoai môn ngon
Để chọn được khoai môn ngon, hãy tuân theo bí kíp chọn khoai môn dưới đây:
Quan sát hình dạng củ khoai môn
Nên chọn những củ khoai môn có lớp vỏ ngoài sần sùi, nhiều râu. Không chọn khoai bị thâm đen và trơn láng. Thông thường, khoai môn có lớp đất bám trên vỏ thường là khoai môn mới thu hoạch. Khoai mới thu hoạch sẽ thơm ngon hơn, do đó, bạn cũng nên ưu tiên chọn khoai môn có đất bám trên vỏ.
Cân đo trọng lượng của khoai môn
Dùng tay cầm để thử xem củ khoai môn nặng hay nhẹ. Nếu củ khoai môn nặng, chứng tỏ trong củ có rất nhiều nước, khi nấu chín sẽ bị sượng, ăn không ngon. Nếu củ khoai môn nhẹ, nghĩa là củ khoai môn đó có nhiều tinh bột, khi chín sẽ vừa bùi vừa mềm, ăn rất ngon.
Quan sát phần mắt của củ khoai
Củ khoai môn càng có nhiều lỗ trũng thì vị sẽ càng bùi và càng ngon.
Quan sát màu sắc và kết cấu củ khoai
Thử cắt một củ khoai môn ra xem, nếu lớp ruột khoai có nhiều vân tím thì củ khoai đó sẽ ngon. Còn nếu màu sắc bên trong củ khoai nhợt nhạt, củ khoai đó thường không ngon.
Mẹo gọt khoai môn không bị ngứa
Gọt khoai môn dễ bị ngứa, nên cần luộc/ nướng trước khi gọt hoặc đeo bao tay khi gọt (Ảnh: thucphamvietnhat)
Dưới đây là một số cách sơ chế khoai môn không bị ngứa mà bạn có thể áp dụng:
1. Đeo găng tay thực phẩm hoặc găng tay y tế để gọt khoai môn. Không cho tay chạm trực tiếp vào khoai môn kể từ khi gọt vỏ cho đến khi thái để nấu thành món ăn.
2. Luộc khoai môn với nước và muối, sau đó đổ vào nước lạnh rồi mới bắt đầu bóc vỏ.
3. Gói khoai môn vào giấy bạc rồi cho vào lò vi sóng nướng khoảng 2 phút, sau đó khi lấy ra, chờ cho khoai nguội bớt rồi mới bắt đầu bóc vỏ.
Cách bảo quản khoai môn
Với khoai môn chưa gọt vỏ: Bỏ khoai trên nền đất, tránh ánh sáng mặt trời và tránh nước.
Với khoai môn đã gọt vỏ: Cho vào bao/ hộp đựng thực phẩm rồi bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh. Nếu bảo quản trong ngăn mát, có thể để được khoảng 3 - 4 ngày, còn bảo quản trong ngăn đông có thể để được 7 - 10 ngày.
Ăn khoai môn bị ngứa miệng phải làm sao?
Cách trị ngứa khoai môn rất đơn giản. Nếu sau khi ăn xong khoai môn bị ngứa miệng, bạn chỉ cần ăn rau má trộn giấm táo, cơn ngứa sẽ biến mất ngay.
Gọt khoai môn bị ngứa tay phải làm sao?
Nếu gọt khoai môn bị ngứa tay, có thể rửa tay với chanh muối hoặc giấm muối để loại bỏ cơn ngứa (Ảnh: ongonfood)
Nếu lỡ dùng tay gọt hoặc chạm vào khoai môn rồi bị ngứa, bạn có thể xử lý bằng một trong các cách sau:
- Rửa tay với giấm pha muối hoặc chanh pha muối.
- Hơ tay trên lửa khoảng 1 phút.
- Vò nát lá chuối xanh rồi chà lên tay trong khoảng 7 - 10 phút để cơn ngứa biến mất.
Lưu ý khi ăn khoai môn
Khoai môn có đặc thù dễ gây ngứa, kể cả khi sơ chế lẫn khi ăn. Có nhiều người bị dị ứng khi ăn khoai môn. Nếu các triệu chứng dị ứng xuất hiện ở cấp độ nhẹ, bạn có thể dùng các biện pháp trên để làm giảm cơn ngứa. Nhưng nếu các triệu chứng dị ứng xuất hiện ở cấp độ nặng, cần phải tìm đến sự hỗ trợ của y dược ngay để tránh gây ra các hậu quả không mong muốn.
Thông qua bài viết này, hẳn là bạn đã biết cách chọn khoai môn không bị sượng, bùi ngọt thơm ngon, cũng như cách gọt khoai môn không bị ngứa và cách trị ngứa khi ăn khoai môn. Khoai môn có giá trị dinh dưỡng cao, vị ngon, giá lại rẻ. Tuy nhiên, hãy lưu ý các phản ứng của cơ thể khi ăn khoai môn, nếu bị ngứa thì phải ngừng ăn ngay, bạn nhé!