A- Mô tả cây:
Cây bảy lá một hoa là một loại cỏ nhỏ, có dạng rất đặc biệt, sống lâu năm, thân rễ ngắn, dài chừng 5-15 cm, đường kính 2,5 cm rất nhiều đốt, khó bẻ; vết bẻ trông như có bột, màu vàng trắng hay xám vàng. Từ thân rễ nổi lên mặt đất một thân mọc thẳng đứng cao tới 1 mét; phía gốc có một số lá thoái hóa thành vảy, bao lấy thân cây. Giữa thân có một tầng lá mọc vòng gồm 3- 10 lá, nhưng thường là 7 lá. Cuống lá dài 2,5-3 cm, phiến lá hình mác rộng, dài 15- 21 cm, rộng 4-8 cm, đầu phiến lá nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt dưới màu xanh nhạt, đôi khi có màu tím nhạt. Hoa mọc đơn độc ở đỉnh cành, cuống hoa dài 15- 30 cm. Lá đài gồm từ 5-10, thường là 7, màu xanh lá cây, dài 3-7 cm, rời từng cái một, trông như lá, không rụng. Số cánh tràng bằng số đài, hình sợi rủ xuống, màu vàng nâu chiều dài bằng hay ngắn hơn chiều dài của lá đài. Nhị hình sợi, bao phấn màu vàng nâu. Nhụy màu tím đỏ, bầu thường gồm 3 ngăn. Quả mọng màu tím đen. Mùa hoa vào các tháng 3-4-5( vùng sapa), mùa quả tháng 10-11
B- Phân bố, thu hái và chế biến:
Cây bảy lá một hoa được phát hiện tại các vùng núi Cúc Phương – Ninh Bình, Sapa Đà Bắc- hòa bình, Sơn Động Hà Bắc. Người ta thường dùng thân rễ với tên tảo hưu, có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào thu đông, đào về rửa sạch, phơi khô.
C- Công dụng và liều dùng:
Cây bảy lá một hoa còn một vị thuốc dùng trong phạm vi nhân dân. Theo đông y vị tảo hưu( thân rễ của cây bảy lá một hoa), có vị ngọt, hơi cay, tính bình không độc. Tác dụng chủ yếu của nó là thanh nhiệt, giải độc, nhất là với loài rắn độc. Tại vùng Quảng Tây Trung Quốc có câu ngạn ngữ:” Ốc hữu thất diệp nhất chi hoa. Độc xà bất tiến gia”. Nghĩa là trong nhà có cây bảy lá một hoa thì rắn độc không vào được. Ngoài chữa sốt và rắn độc cắn, vị tảo hưu còn chữa mụn nhọt, viêm tuyến vú, sốt rét, ho lao, ho lâu ngày, hen xuyễn; dùng ngoài thì giã đắp lên chỗ sưng đau. Ngày dùng 4- 12g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.